Hạt Giống Tâm Hồn : Cuộc đời của khăn giấy
Số phận của mỗi con người đều được gắn liền với một vật nào đó. Các lang băm và nhà giáo biến chất hạnh phúc cả đời với chiếc phong bì gấp tư. Các phóng viên báo lá cải không thể thiếu cái lưỡi dài ngoằng để la liếm khắp ngang cùng ngõ hẻm. Hay đơn giản như thằng Voi còi em họ tôi bị bệnh kiết lị mãn tính, đâm ra không bao giờ dám đi xa khỏi cái nhà vệ sinh quá năm mét.
Thế nhưng có một người không đồng tình với quan điểm này, đó là San San, bạn gái cũ của tôi. Cô ấy là sinh viên trường Điện Ảnh, nên có cách lập luận rất đa chiều.
“Một diễn viên phải đóng rất nhiều vai trong cuộc đời, nên chắc chắn không thể gắn bó cố định với một điều gì được, với một người nào đó thì còn có thể.”
“Một người nào đó?” Tôi nhắc lại với vẻ hoài nghi.
“Đúng thế. Ví dụ như bố mẹ, một người bạn tri kỷ, hay một người yêu dấu mãi mãi không thể quên. Em luôn nghĩ rằng cuộc đời em sẽ không thể thoát khỏi một gã đạo diễn nào đó, người sẽ cho em tấm vé thông hành vào thế giới showbiz. Anh biết rồi đấy, thời buổi này tài năng đến mấy mà không có người chống lưng thì mãn kiếp vẫn chỉ đóng vai xác chết.” San San phân tích, trên môi phì phèo điếu thuốc ra dáng một nữ minh tinh Hollywood.
Giống như hầu hết các cô gái theo đuổi nghệ thuật, San San có một chút bất cần đời kiểu trẻ con, nhưng lại giữ khư khư vài nguyên tắc rất kỳ cục như luôn cất một ít khăn giấy trong túi xách để lau miệng. Cô thà để nguyên cái miệng đầy dầu mỡ về nhà còn hơn dùng khăn giấy của hàng quán. “Chúng được làm từ nhựa trải đường đấy. Đồng bào của chúng ta sẵn sàng đầu độc chúng ta chỉ để tiết kiệm chút tiền mua khăn giấy xịn.” Cô giải thích.
Cô còn một nguyên tắc khác, đó là không đóng vai gái điếm. Trong khi những người bạn học của cô chấp nhận ngủ với cả đạo diễn lẫn nhà sản xuất để được đóng những vai lãng xẹt nhất, thì nguyên tắc này vô tình khiến San San tự đẩy mình thụt lùi trên con đường sự nghiệp. Có lần cô rủ tôi đến phim trường, nơi gã anh họ của cô đang đạo diễn một bộ phim truyền hình, để xin một vai phụ.
“Hey ông anh, có vai nào ngon ngon cho em casting đi.” Cô vỗ vai hắn.
“Còn vai một con phò cao cấp thôi, nhận không?” Gã anh họ cao lêu nghêu, gầy như xác ve khệnh khạng trả lời.
“Lần thứ ba tỷ sáu trăm triệu tôi nhắc lại cho anh nhớ là tôi không đóng vai gái bán hoa.” Cô làm gắt lên, xong ngay lập tức hạ giọng năn nỉ. “Còn vai nào nữa không ông anh?”
“Còn vai người hầu của phò.” Gã đạo diễn lật một lượt danh sách vai diễn rồi nói.
“Phò mà cũng có người hầu sao trời?” Cô gãi đầu thắc mắc.
“Chứ sao, phò cao cấp mà. Hay muốn “quý phái” hơn thì có vai người hầu của phò mã, chồng công chúa Hạt Mít. Anh nể mày lắm mới cho đóng đấy, chứ bao nhiêu đứa đang đánh nhau vỡ đầu để được thử vai đó.” Hắn phẩy tay.
“Thế vai phò mã có ai đóng chưa ạ?”
“Vai đó dành cho nam giới mà.”
“Em hỏi cho bạn trai em cơ.” San San gập tay lại, huých cùi trỏ về phía tôi, đang đứng cách họ vài mét.
Gã anh họ rướn cổ lên, săm soi tôi qua vai San San. Cái nhìn của hắn thô lỗ như đang lựa thịt lợn trên sạp hàng, làm tôi thấy khó chịu.
“Không hợp đâu.” Hắn đáp gọn lỏn và quyết đoán. “Tướng tá thế kia chỉ đóng vai nhạc công thổi kèn saxophone thôi.”
Đó không phải là một câu chế nhạo, rất nhiều người cũng từng nhận xét tương tự. Có lẽ San San nói đúng về chuyện gắn bó với một người nào đó. Dù cho ta có ở rất xa người đó, thì dấu hiệu của họ vẫn rõ nét trên cơ thể và hình thái của ta.
***
Bố tôi là một nhạc công thổi kèn saxophone chẳng mấy tiếng tăm. Suốt cuộc đời, ông chỉ biết đến hai việc: thổi kèn, và chửi rủa lũ thính giả thối tai không đánh giá đúng tài năng của mình. Khi tôi được sinh ra, ông đã rất kỳ vọng rằng thằng con trai duy nhất sẽ nối nghiệp cha. Nhưng rồi căn bệnh xiêm xoang năm ba tuổi đã khiến tôi phải gắn chặt với những chiếc khăn giấy, thay vì tiếng kèn.
Chỉ những ai mắc bệnh viêm xoang mới biết thế nào là khốn khổ khốn nạn. Cái mũi của tôi luôn luôn chực chờ để tuôn ra đủ thứ mật xanh mật đỏ. Mùa hè còn đỡ. Những tháng mùa đông da khô cằn nứt nẻ mà bỗng dưng được “sưởi ấm” bằng dòng nham thạch xanh đỏ tuôn từ mũi xuống nhân trung, qua miệng rồi chảy xuống cằm, thì chẳng khác nào bức tường vôi đang bong tróc lại còn bị hắt acid vào.
Bởi thế trong cặp và túi áo đồng phục của tôi luôn có sự hiện diện của những chiếc khăn giấy. Tôi có thể quên sách vở, quên bữa ăn trưa hay thậm chí là kiến thức, nhưng không bao giờ được phép quên khăn giấy. Nguyên tắc này hoàn toàn không phải là lời nhắc nhở của mẹ tôi, mà tự tôi đã gò ép mình phải như thế. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã ý thức được việc giữ gìn thể diện và hình ảnh của mình trong mắt công chúng (tức là bạn bè và thầy cô giáo). Lúc nào cũng dãi nhớt bẩn thỉu rõ ràng không phải là một cách hay để gây ấn tượng với người khác.
Tuy vậy, tôi vẫn gây ra sự bực mình cho một số người, cụ thể nhất là bố tôi. Căn bệnh viêm xoang của tôi chẳng những khiến ông sụp đổ tan tành bao nhiêu kỳ vọng, mà còn làm sự nghiệp của ông đi xuống, mặc dù nó chưa từng đi lên. “Ngay cả người nghệ sĩ tài năng như tao cũng không thể bói đâu ra cảm hứng nghệ thuật khi ngày ngày phải sống chung với một thằng ranh đi đến đâu là thải nước mũi như ốc sên đến đấy.” Ông vẫn thường mắng chửi tôi như vậy. Thế rồi vào một ngày đẹp trời, ông bỏ nhà đi, chẳng mang theo gì ngoài vài bộ quần áo và chiếc kèn. Từ đó tôi không bao giờ gặp lại ông nữa.
Tôi cứ tiếp tục lớn lên với hai hàng nước mũi chảy lòng thòng và rất nhiều khăn giấy mang bên mình. Nhiều lúc rảnh rỗi, tôi còn tính xem đã có bao nhiêu cái cây bị đốn, bao nhiêu khí cacbonic được thải ra và bao nhiêu công nhân bị vắt kiệt sức lao động để tạo ra khăn giấy cho tôi dùng cả đời. Thế mà vào năm mười bốn tuổi, tôi bỗng dưng khỏi bệnh.
Nói ra thì thật xấu hổ, ngày tôi hết bệnh cũng chính là ngày tôi biết thủ dâm. Trước đó hai tuần, tôi trải qua cơn mộng tinh đầu tiên. Thủ dâm cũng giống như những con rùa rời khỏi trứng vậy. Rùa mẹ không ghé sát miệng vào quả trứng mà nói rằng “đến giờ rồi các con, phá vỏ ra đi”. Chúng cứ thế mà chui ra thôi. Tương tự như vậy, đến đúng thời điểm là chúng ta tự biết cách thủ dâm, muốn phớt lờ cũng chẳng được.
Rốt cục thì tôi vẫn phải gắn với những chiếc khăn giấy, tuy không quá phụ thuộc như trước. Chẳng biết những người công nhân bị bóc lột và những cây cổ thụ nghìn năm tuổi bị đốn ở Amazon có giận không nếu biết tôi sử dụng khăn giấy vào việc này.
Nhưng một bước ngoặt năm mười bảy tuổi đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn quan niệm về những chiếc khăn giấy.
Đó là một buổi chiều đầu thu xa lắc xa lơ của thời học trò đã lùi vào dĩ vãng, mặt trời đang cố xả nốt những tia nắng cuối cùng trước khi quẹt thẻ chấm công và đi về nhà, còn tôi đang lang thang trong sân trường sau giờ học để nghĩ cách thông báo về điểm số be bét cuối kỳ với mẹ tôi mà không bị ăn đòn. Trong hoàng hôn đỏ rực, nàng ngồi trên ghế đá, ôm mặt khóc nức nở. Tiếng khóc nhỏ như tiếng mèo con đòi sữa mẹ, thỉnh thoảng lại đứt quãng bởi cơn nấc cục.
Tôi bối rối nhìn quanh, cả sân trường rộng thênh thang tuyệt không một bóng người, trừ hai chúng tôi. Ở dãy nhà phía bên kia có tiếng chổi quét lá xào xạc, tiếng cười đùa chí chóe của vài đứa học sinh, nhưng lại xa xôi như ở thế giới khác. Tôi không giỏi giao tiếp với người khác giới, thậm chí nếu không muốn nói là nhát gái. Nhưng dù sao tôi cũng đã đủ lớn để biết phải cư xử thế nào cho ra dáng một người đàn ông. Tôi tháo chiếc ba-lô của mình khỏi vai và tìm kiếm một thứ gì đó, để rồi thở phào nhẹ nhõm khi lôi ra một gói khăn giấy bỏ túi, vẫn chưa được bóc lớp nylon. Chiếc ba-lô này đã đi theo tôi từ năm mười ba tuổi, còn gói khăn giấy không bao giờ được dùng tới vì tôi đã khỏi bệnh đúng cái ngày mua nó. Gói khăn giấy hơi bị nhàu một chút, lại có mùi như cứt gián do nằm im một chỗ quá lâu. Thật may là khi tôi bóc lớp nylon ra thì hương thơm của nó vẫn còn. Có lẽ nàng đang phải đối mặt với những vấn đề to tát hơn nhiều chuyện khăn giấy cũ có mùi cứt gián, tôi tự trấn an mình.
Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in sự lúng túng đến thảm hại của mình khi nàng nhận lấy gói khăn giấy đó. Phải cố gắng lắm tôi mới không ba chân bốn cẳng mà chạy trốn vì xấu hổ. Đôi mắt của nàng long lanh như chứa cả một dải thiên hà trong đó. Tất cả các hành tinh đều trong suốt, tròn trịa và nối đuôi nhau trào ra khỏi quỹ đạo, tạo thành hai hàng nước mắt yếu ớt khiến cả thế gian phải xót xa. Khi đôi mắt đó nhìn thẳng vào mình, tôi có cảm giác mình đang trần truồng trước mặt nàng, thô kệch và xấu xí đến nỗi chính tôi cũng không thể chấp nhận được.
Nàng rút một chiếc, rồi hai chiếc, nhẹ nhàng quệt ngang những tiểu hành tinh nơi khóe mắt. Đến chiếc cuối cùng, không hề giữ kẽ, nàng ấn nó vào mũi và xì một tiếng thật mạnh. Khuôn mặt nàng giờ đã khá hơn rất nhiều, hai gò má ửng đỏ do ma sát với khăn giấy, còn đôi mắt âm ẩm như cửa kính vừa được lau.
“Cảm ơn.” Nàng nở một nụ cười gượng, khịt khịt mũi để ngăn nước mũi không chảy ra nữa.
Đó là tất cả những gì nàng nói với tôi, bởi ngay sau đó tôi đã quay lưng và bước đi không ngoảnh lại. Tôi sợ rằng nếu không kịp chuồn nhanh cho khuất mắt, nàng sẽ nhìn thấy tim tôi bật tung lồng ngực mà nhảy ra với một cái lò xo xoắn đằng sau. Cũng bởi nhát gan nên tôi không dám bắt chuyện với nàng một lần nào nữa, dù chúng tôi chỉ học cách nhau có một tầng lầu. Thỉnh thoảng tôi lén nhìn trộm nàng giữa sân trường, trong hành lang hay trong tiết ngoại khóa đầu tuần. Nhưng nàng chẳng có vẻ gì là còn nhớ đến tôi. Nghe nói nàng học rất giỏi và nỗi buồn đến phát khóc hôm nọ chẳng qua chỉ vì một bài thi không được Mười điểm. Thế đấy, chẳng cần những chiếc khăn giấy có mùi cứt gián của tôi, nỗi buồn điểm số của nàng cũng tự nguôi ngoai.
Dù sao thì nhờ có nàng mà tôi đã biết thêm một công dụng khác rất cao cả và thiêng liêng của khăn giấy. Nhiều năm sau, khăn giấy gần như biến mất khỏi cuộc sống của tôi. Khi ta không còn nhu cầu với một điều gì đó thì chúng cứ tự động trở thành vô hình với ta, giống như mối quan hệ giữa người với người vậy.
***
Tôi gặp San San ở buổi tiệc giao lưu giữa sinh viên hai trường Điện ảnh và Âm nhạc. Khi đó cô đang học năm thứ ba, còn tôi năm cuối. Ngoài đam mê bất tận với phim ảnh, San San rất thích lê la quán xá. Cứ mỗi khi rảnh rỗi là chúng tôi lại chui vào một quán ăn vỉa hè và không bao giờ đứng dậy cho đến khi bị đuổi. San San không ham ăn lắm, chủ yếu là cô thích tận hưởng không khí bờ bụi. “Ngồi giữa đường phố thực hiện một trong tứ khoái, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người qua lại, cảm giác như đang khỏa thân đi trong công viên vào mùa hè ấy. Thoải mái và điên cuồng lắm.” San San giải thích.
Trong túi xách của cô luôn có một xấp khăn giấy Kleenex, chỉ phục vụ cho việc lau miệng. Có lần khăn giấy hết đột xuất, tôi đã phải chạy bộ ba dãy phố mới xin được vài chiếc khăn giấy “đúng tiêu chuẩn” của cô. Từ đó, mỗi lần đi ăn với San San là tôi lại thủ sẵn trong người một gói khăn giấy bỏ túi.
Những ngày cuối tuần luôn là thời điểm mà chúng tôi mong chờ nhất. Chúng tôi sẽ dính chặt lấy nhau trong căn phòng trọ tồi tàn dán đầy poster phim của San San, từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Cô bắt tôi nằm yên trên chiếc giường nhỏ nhưng thơm nức của cô, không được cười cợt mà phải giả vờ nghiêm nghị như một ông đạo diễn khó tính đang casting. Trong cảnh tranh tối tranh sáng của căn phòng đóng kín, cô phơi bày toàn bộ cơ thể trước mặt tôi, sau đó diễn lại bất kỳ một vai diễn nào mà cô biết cho tôi xem.
“Nhập tâm vào nhân vật đã khó, với tình trạng không một mảnh vải che thân còn khó hơn nữa. Chỉ đến khi đã bỏ qua nỗi lo lắng dung tục tầm thường, em mới đạt đến sự chuyên nghiệp của diễn xuất.” Cô giải thích.
San San từng cảnh báo sẽ có ngày cô bỏ rơi tôi để đi theo một gã đạo diễn hói đầu bụng bự nào đó, vậy nên khôn ngoan hơn cả là tôi đừng yêu cô một cách trọn vẹn. Cô chỉ muốn ngày nào còn bên nhau, chúng tôi sẽ thật vui vẻ và cùng làm tình mãnh liệt đến mức đau ê ẩm khắp mình mẩy thì thôi.
“Thế nào là không trọn vẹn?” Tôi hỏi cô, rất nghiêm túc.
Cô ngồi dậy, châm một điếu thuốc. Trừ khi cần đầu óc tỉnh táo, còn không hiếm khi tôi thấy San San hút thuốc.
“Tức là anh sẽ vẫn sống tốt sau khi bị em đá đít. Lãng quên em và đi tiếp con đường của anh, trở thành một nhà sản xuất âm nhạc cỡ bự như Timbaland, tiếp tục tin vào sự chung thủy của phụ nữ, có một gia đình hạnh phúc mãi mãi về sau.” Cô phả từng làn khói qua đôi môi ẩm ướt.
“Thế nếu anh trở thành nhà sản xuất cỡ bự trước đó thì sao?” Tôi giật điếu thuốc khỏi tay cô và dụi vào gạt tàn. Khói thuốc mịt mù trong căn phòng kín khiến tôi thấy khó chịu.
“Có khác gì nhau? Đằng nào em cũng đã ngủ với anh rồi.” Cô nhìn vào khoảng không rồi trả lời bâng quơ.
Một hôm San San hỏi tôi có thể chơi đàn cho cô nghe được không. Không phải trên chiếc đàn piano bé tí ở quán café chúng tôi hay đến, mà là chiếc to đùng trị giá một tỷ đồng trong khán phòng của trường Nhạc. Chỉ có giáo viên và các sinh viên xuất sắc của khoa Piano mới được đụng tới chiếc đàn đó, thế nhưng tôi vẫn vận động được các mối quan hệ để hoàn thành mong muốn của San San, tuy có hơi rắc rối và tốn không ít công sức.
Tối hôm đó, cô mặc một chiếc váy màu trắng đính hạt cườm lộng lẫy, làm tóc cầu kỳ như đi dự một buổi hòa nhạc sang trọng. Mặc dù buổi biểu diễn sẽ chỉ diễn ra trong năm phút và cô là khán giả duy nhất trong khán phòng. Tôi mặc bộ đồ lịch sự nhất mà mình có, bước ra từ sau cánh gà và cúi chào cô, lúc này đang yên vị ở hàng ghế đầu tiên, nhìn thẳng lên sân khấu. Sau đó tôi chậm rãi ngồi xuống và chơi bản River flows in you, bản nhạc mà San San thích nhất. Do chưa quen với chiếc đàn, cộng thêm không khí trang nghiêm nơi khán phòng làm tôi bị căng thẳng, thỉnh thoảng đánh lệch vài nốt. San San ngồi phía dưới chăm chú quan sát các ngón tay của tôi.
Bản nhạc vừa dứt, cô đứng dậy vỗ tay rất nhiệt thành, kèm theo nụ cười rộng đến mang tai. Sau đó cô chạy lên sân khấu, tiếng giày cao gót gõ xuống sàn gỗ vang vọng lên tận trần nhà.
“Xin chúc mừng, anh chơi còn dở hơn cả một đứa con nít nghịch đàn organ đồ chơi.” San San thành thật nhận xét. Tôi tán thành với ý kiến của cô bằng một cái nhún vai.
“Anh biết em thích làm gì bây giờ không?” Cô hỏi.
“Em muốn đi ăn trứng cút lộn, nem rán, ốc luộc?” Tôi đọc vị suy nghĩ trong đầu cô. “Thế em có biết anh thích gì bây giờ không?”
“Anh thích ngắm poster Johnny Depp treo trên đầu giường của em phải không? Đồ biến thái!” Cô ấn ngón tay được đánh móng đỏ lên trán tôi.
“Ăn trước, ngắm Johnny Depp sau.” Cô đề nghị.
Đến nửa đêm, tôi bị đánh thức bởi tiếng khóc của San San, dù cô đã cố hãm thanh bằng cách úp mặt vào gối. Tôi rời khỏi giường, lấy vài chiếc khăn giấy cho cô lau nước mắt.
“Anh sẽ không bao giờ quên em chứ?” Cô hỏi khi đang nằm trong vòng tay của tôi.
“Không bao giờ.” Tôi trả lời, mắt nhìn lên trần nhà.
Chia tay San San được một thời gian thì tôi nghe tin bố tôi mất.
***
Hồi còn độc thân, mẹ tôi có học đàn piano. Nhưng sau khi sinh tôi ra, thay vì giữ những ngón tay mềm mại để đánh đàn, thêu thùa và lướt Facebook thì mẹ phải giặt tã, quấy bột, nấu bữa sáng cho tôi kịp giờ đi học và vung roi đánh vào mông tôi sau mỗi buổi họp phụ huynh. Khi tôi khỏi bệnh viêm xoang một cách thần kỳ, mẹ quyết định chở chiếc đàn đã cũ rích từ nhà ông ngoại về cho tôi học. Mẹ nói rằng gì thì gì, dòng họ mình cũng có truyền thống âm nhạc, hơn nữa nhà chỉ có hai mẹ con nên tiếng đàn sẽ giúp không khí bớt buồn tẻ. Thế là tôi học đàn piano với sự hào hứng không cao hơn học môn toán là bao.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi không có định hướng rõ ràng cho tương lai, đành thi đại vào khoa Piano của trường Nhạc viện. Năm đó tôi đỗ vớt, sau khi đứa đứng trên tôi bị sốc ke chết do ăn mừng đỗ đại học quá đà. Tôi chơi nhạc chỉ ở mức độ trung bình nên chẳng bao giờ mơ ước viển vông sẽ trở thành nhạc công. Bù lại, tôi đã sáng tác một vài bài hát được yêu thích trên mạng internet, nên cũng có chút máu mặt trong phòng thu âm của trường.
Bố tôi viết di chúc để lại cho tôi chiếc kèn saxophone đã đi cùng ông nửa đời người, chính là chiếc mà ông mang theo khi bỏ nhà đi. Tôi lấy khăn giấy lau nước mắt cho mẹ, vứt chiếc kèn vào thùng rác và rủ vài thằng bạn thân đi uống rượu cả đêm.
Vào giây phút bị đè bẹp dúm bởi cả bao tải cảm xúc lộn xộn như lúc này, tôi chợt nhớ đến cô bạn học với đôi mắt ẩm ướt sau khi được lau bằng khăn giấy có mùi cứt gián, người đã vô tình mang tới những cảm xúc trai gái đầu đời cho tôi. Rồi tôi nhớ San San, nỗi nhớ cồn cào của một kẻ đã mãi mãi đánh mất những điều quý giá. Tôi nhớ cái cách cô xỉa những con ốc luộc ra khỏi vỏ, nhớ những vai diễn mà cô từng diễn cho tôi xem, nhớ cơ thể cô khi trần truồng, nhớ cảm giác ấm áp khi tôi vào trong cô, nhớ những lời thì thầm ngọt ngào mà chắc chắn cô sẽ không bao giờ dành cho ai khác như đã dành cho tôi. Đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thể xác định được ai là mối tình đầu của mình. Một người chỉ sượt nhẹ qua đời tôi liệu có thiếu? Và một người ở bên tôi suốt hai năm trời nhưng chưa bao giờ trao trọn cảm xúc cho nhau liệu có thừa?
Rồi tôi lại nghĩ đến bố tôi, người chưa từng thể hiện tình yêu với tôi dù chỉ một ngày. Ông chẳng bao giờ hỏi han việc học tập của tôi, chẳng bao giờ mua quà hay đi họp phụ huynh cho tôi. Ông chỉ chăm chú tập kèn từ sáng đến tối, đến mức mà sau này mỗi khi phải chơi nhạc với bọn khoa Kèn là tôi lại nổi da gà.
Thậm chí những chiếc khăn giấy còn làm được nhiều việc hơn ông. Chúng chẳng bao giờ than phiền hay đánh đòn tôi. Chúng cần mẫn lau dọn tất cả những thứ chất lỏng xung quanh tôi: Nước mũi, tinh trùng, mỡ bánh rán… Chúng còn giúp tôi tiếp cận với một người phụ nữ và xoa dịu nỗi buồn cho ba người phụ nữ. Tôi chẳng thể mong chờ những phụ tá tốt hơn nữa.
Đôi lúc tôi tưởng tượng nếu mình chỉ là một chiếc khăn giấy, chắc cuộc đời tôi sẽ không phức tạp đến thế. Tôi sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn anh chị em giống hệt mình. Chúng tôi sẽ được ở bên nhau trong giấy nylon, chờ đến khi có ai đó bôi lên mình những chất lỏng bẩn thỉu hoặc nước mắt, rồi bị vo viên, bị ném vào thùng rác. Cũng đâu đến mức tệ lắm đâu, ít nhất thì tôi cũng sẽ biết mục đích tồn tại của mình là gì.
Dù sao thì những năm tiếp theo của cuộc đời tôi cũng khá dễ chịu. Tôi đã được người ta gọi là nhạc sĩ mà không cảm thấy nhột sau gáy. Thu nhập hàng tháng đủ cho mẹ và tôi sống thoải mái. Nhưng cũng giống như nhiều đồng nghiệp khác, tôi luôn trăn trở về tác phẩm để đời chưa biết bao giờ mới xuất hiện của mình.
Một buổi sáng mùa hè năm hai mươi sáu tuổi, khi tôi đang chạy bộ trên phố thì nó đến. Cả giai điệu lẫn lyric, chúng phát ra từ trong đầu tôi, cứ như thể mở tủ lạnh ra là có sẵn đồ ăn bên trong vậy. Tôi bối rối vì lúc đó không mang theo giấy bút, mà những giai điệu bất chợt đến thì cũng bất chợt đi rất nhanh. Lúc này đã là tám giờ sáng, nhưng quanh khu này chỉ toàn các quán café và tòa nhà văn phòng chứ không có cửa hàng văn phòng phẩm, trong khi để chạy về nhà cần mười lăm phút là ít. Vậy là tôi vừa chạy quanh khu phố, vừa đảo mắt tìm kiếm một ai đó hoặc một nơi nào đó có thể mượn được giấy bút, miệng lẩm nhẩm bài hát để đời của mình.
Cuối cùng tôi thấy một quán café đã sáng đèn, dù chưa mở cửa. Có lẽ các nhân viên đang ở đằng sau nhà nên quán vắng tanh. Tôi tự tiện lấy một mảnh khăn giấy trong giỏ và vơ chiếc bút trên quầy thu ngân rồi cặm cụi kẻ các dòng ngang. Sau khoảng ba phút thì tôi đã phủ kín tờ giấy với đầy đủ các nốt nhạc và lời bài hát. Tôi sung sướng đến mức cứ ngồi thừ ra, chẳng đủ sức tập trung vào bài hát hay cảnh vật xung quanh nữa.
Mãi đến chín giờ sáng tôi mới chịu biến khỏi đó, sau khi bị đuổi. Tôi cất chiếc khăn giấy cẩn thận trong túi quần, rồi phấn khởi chạy về nhà, không thể đợi đến lúc chơi thử giai điệu mới trên chiếc đàn piano cũ rích của tôi.
Đoán thử xem tôi gặp ai trên đường về nhà. Chính là cô gái học cùng trường cấp Ba với đôi mắt chứa cả dải thiên hà. Giờ đây nàng đã trưởng thành, mặc chiếc váy công sở màu đen trang nhã, cặp chân dài đến nỗi phải duỗi sang một bên mới ngồi được. Nàng đang ngồi bệt trên bậc cầu thang của một tòa nhà văn phòng chọc trời, khuỷu tay chống dưới đầu gối, áp mặt vào lòng bàn tay khóc nức nở. Vẫn là tiếng khóc như mèo con đòi sữa mẹ, thi thoảng hai bờ vai giật lên như để tô điểm cho thảm cảnh của nàng. Bên cạnh nàng là một thùng các-tông chứa khung ảnh, chậu xương rồng và một chồng sổ sách. Thời buổi kinh tế khó khăn, ngày nào tôi cũng bắt gặp hình ảnh những người trẻ tuổi ăn mặc lịch sự bị doanh nghiệp sa thải, ôm một thùng các-tông giống như thế bước ra từ các tòa nhà văn phòng. Người như vừa đi đám ma về, người đứng chửi đổng, cũng có người vui mừng ra mặt.
Tôi rút chiếc khăn giấy duy nhất trong túi quần ra, đắn đo giữa việc trở thành một nghệ sĩ lớn hay một người đàn ông cao cả biết hy sinh vì nhân loại.
Hóa ra cuộc đời của một chiếc khăn giấy không phải lúc nào cũng đơn giản.
Hoàng Nhật
Cùng Danh Mục :
Hạt Giống Tâm Hồn : Lắng nghe những điều giản dị
Hạt Giống Tâm Hồn : Tấm huy chương vàng
Hạt Giống Tâm Hồn : Quà sinh nhật
Leave a Reply